Mọi quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật về thang máy trên toàn thế giới đều yêu cầu chặt chẽ về hệ thống cửa cabin nhằm đảm bảo bên trong cabin luôn là không gian an toàn. Và đứng trên nóc cabin là một điều vô cùng nguy hiểm – đó cũng là lý do tại sao cửa thoát hiểm luôn bị khóa để ngăn chặn việc người kẹt trong thang máy nghĩ đến việc phá nóc cabin và leo lên trên. Phim ảnh hoặc trí tưởng tượng đã khiến nhiều người nghĩ rằng phá nóc cabin có thể giúp họ trèo ra khỏi cabin và tìm được lối thoát ra ngoài, nhưng thực tế thì không, điều đó chỉ gia tăng nguy hiểm cho họ.
Vị trí cửa thoát hiểm thường được thiết kế chính giữa hoặc ở một góc trên nóc cabin, nhưng người kẹt trong thang máy tuyệt đối không nên cố cạy cửa này
Nhân viên cứu hộ có thể đi vào thang máy bằng cửa cứu hộ trên nóc cabin khi đã kiểm soát hết các nguy cơ gây ra nguy hiểm nhằm giải thoát người gặp nạn trong cabin, nhưng nếu bạn bị kẹt trong cabin, đừng dại dột tìm cách cạy nóc cabin ra.
Và thực tế, khi bạn cố phá nóc cabin, thứ bạn đối mặt là:
– Không có lối thoát: Khi thang máy bị kẹt, bạn khó có thể xác định vị trí hiện tại của cabin là ở đâu, do đó, khi bạn lên nóc cabin thứ hiện ra chỉ là một giếng thang hun hút lên trên.
– Nóc cabin chứa hệ thống điều khiển thang máy, dễ bị giật điện hoặc làm hỏng hệ thống điều khiển, khiến việc cứu hộ càng trở nên khó khăn.
Trên nóc thang thường có hệ thống điều khiển dễ gây giật điện, và bạn cũng dễ rơi vào các khe hẹp giữa cabin và giếng thang
– Dễ rơi xuống giếng thang: Trong hố thang không có đèn điện và là một không gian kín nên rất tối, kích thước cabin có thể nhỏ hơn kích thước giếng thang hoặc rơi vào các khe hở.
Ngay cả khi đi cùng các kỹ thuật viên chuyên nghiệp, họ tuyệt đối không cho phép bạn ngồi trên nóc cabin hoặc đi vào giếng thang để xem phòng máy, xem hố thang,… Để có thể quan sát những điều này, tôi buộc phải trang bị trang phục bảo hộ như mũ, giày, quần áo,… và nghe phổ biến về các nguyên tắc an toàn lao động, dù vậy, tôi vẫn chỉ có thể quan sát với khoảng cách nhất định sau khi họ đã dừng hoạt động thang máy, chứ không được phép đến quá gần, trèo lên nóc thang,…
Chúng ta đã biết nóc cabin là vị trí đặc biệt nguy hiểm khiến các chuyên gia phải liên tục khuyến cáo người dùng tuyệt đối không phá nóc cabin khi bị kẹt trong thang máy. Nhưng đó chưa phải là vị trí nguy hiểm nhất.
Theo thống kê, khoảng 60% các vụ tai nạn thang máy liên quan đến cửa thang máy, bao gồm cửa tầng và cửa cabin. Một chuyên gia thang máy nhấn mạnh với tôi rằng: Bước thật nhanh qua cửa thang máy, vào trong cabin là an toàn. (Và xin nhấn mạnh lại rằng, bên trong cabin là nơi an toàn nhất dù thang máy có xảy ra sự cố hay không).
Có các nguy cơ sau tại cửa thang máy mà bạn có thể gặp phải:
– Mắc quần áo/dây dắt thú cưng/đồ vật mỏng vào cửa cabin: Không có gì đảm bảo rằng hệ thống an toàn tại cửa thang máy (thanh an toàn, mành hồng ngoại) luôn nhận diện được các vật dụng dạng mỏng dẹt như trên. Khi đó, cửa thang đóng lại và cabin di chuyển có thể gây ra các tai nạn liên quan đến tính mạng.
– Hệ thống an toàn cửa hỏng gây kẹt bộ phận cơ thể: Đã có không ít những tai nạn thang máy xảy ra khi người dùng chưa bước hẳn vào trong cabin mà cửa đã đóng gây kẹt tay, chân hoặc một phần cơ thể. Điều này có thể xảy ra với các thang máy không được bảo trì thường xuyên hoặc do vấn đề nhân lực. Một kỹ thuật viên năng lực kém không đánh giá được tình trạng thang hoặc thậm chí dùng “thủ thuật” câu tắt với các bộ phận này.
– Cabin di chuyển khi cửa chưa đóng: Bạn đã từng nghe nói đến những tai nạn thang máy người bị cắt tay/chân, cắt đầu,… do cabin di chuyển khi cửa chưa đóng? Dù tỉ lệ vô cùng hiếm nhưng thực tế đã chứng minh những rủi ro vẫn luôn có thể xảy ra. Do đó, đừng bao giờ đứng nửa vời giữa cửa cabin, dùng tay/chân giữ cửa hay ngoái đầu ra nhìn phía bên ngoài.
Nếu bạn muốn chờ người khác, hãy bước hẳn vào trong cabin và dùng nút mở cửa thang để chờ người. Và bạn cũng không nên giữ cửa thang máy quá lâu bởi có thể gây lỗi hệ thống cửa thang. Thông thường, hệ thống điều khiển cửa thang máy được lập trình thời gian mở cửa khoảng từ 3 – 5 phút sẽ có cảnh báo bằng âm thanh để khuyến cáo người dùng không giữ cửa thang máy nữa.
Tất nhiên, ngoài chuyện kỹ thuật thì việc giữ cửa thang quá lâu cũng gây ảnh hưởng đến việc sử dụng thang máy của những người khác, đặc biệt tại các tòa nhà cao tầng.
Đây cũng là lý do chúng ta nên hạn chế vận chuyển đồ đạc bằng thang máy tải khách tại các tòa nhà cao tầng, khi vận chuyển đồ ra/vào chiếm nhiều thời gian cũng có thể gây hư hỏng bộ điều khiển cửa thang máy.
– Cạy cửa thang máy không an toàn: Khi bạn ở bên trong thang máy, dù chuyện gì xảy ra, trước mắt bạn vẫn an toàn. Đừng sợ thiếu không khí, đừng sợ thang máy rơi tự do – đây đều là những tình huống vô cùng hiếm khi xảy ra. Còn khi bạn cạy cửa, quá trình phá cửa tác động lực lớn lên cả hệ thống thang máy có thể khiến hư hỏng thiết bị, cửa tầng thang máy,… Cùng đó, phá cửa thang máy nhưng không xác định chính xác vị trí cabin đang dừng, đưa người ra nhưng cabin không ở vùng an toàn, có thể gây tai nạn cắt/kẹt người do cabin trôi hoặc người rơi xuống giếng thang,…
Ngoài các nguy cơ tai nạn tại cửa thang máy – nơi nguy hiểm nhất của thang máy, bạn cũng nên lưu ý các nguy cơ rủi ro khác với thang máy để việc sử dụng thang máy được an toàn – an tâm hơn.
Đọc thêm: 8 sự cố thang máy người dùng cần lưu ý
Ngoài ra, các chuyên gia trong ngành thang máy đã biên soạn một danh sách 85 rủi ro có thể xảy ra đối với thang máy được đánh giá theo khung phân tích thường được gọi là tiêu chuẩn EN 81-80 “SNEL” (Safety Norms for Existing Lifts – Tiêu chuẩn An toàn cho Thang máy Hiện hành) và là một phần của Tiêu chuẩn châu Âu EN 81. Những rủi ro này có thể dẫn đến chết người và cần được giải quyết khẩn cấp. Tham khảo thêm để đảm bảo an toàn trong sử dụng thang máy: Tiêu chuẩn an toàn thang máy hiện hành